Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Tản mạn gói mì ăn liền

Chúng ta đã ăn phở tái, bún giò, miến ngan… từ xa xưa (từ thuở Hà Nội – băm sáu phố phường, Huế – thần kinh) nhưng ăn mì ăn liền thì mới chừng mấy chục năm nay.

Mì ăn liền là một thực phẩm khô, chiên trước với dầu cọ, vô gói (từ 60 -  80g), ăn liền sau 3 -  5 phút dội nước sôi lên. Mì ăn liền ra đời muộn mà có sức lan tỏa, “chiếm lĩnh thị trường” mạnh, nhanh, đến sớm rộng khắp. Có thể nói, ngày nay gói mì ăn liền đã đến với từng nhà, kết bạn với từng người. Có thế, nước ta mới mỗi năm sản xuất tới 6 tỉ gói mì với đủ các thương hiệu (Hảo Hảo, Miliket, 3 Miền, Tiến Vua, Bò Rau Thơm, Gấu Đỏ… Mì lâu đời nhất là mì Colusa gói giấy vẫn còn được ưa chuộng). Có những con số của năm 2005, tôi đọc được trên báo: Trung Quốc, ăn nhiều mì tôm nhất thế giới với 44, 3 tỉ gói / năm 2005, Indonesia thứ hai với 12, 4 tỉ gói / năm 2005, Nhật thứ ba – 5, 4 tỉ gói / năm 2005. Tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất, tính theo đầu người: Hàn Quốc 69 gói / người / năm,  Indonesia 55 gói / người / năm, Nhật 42 gói / người /  năm.
mì ăn liền
Mì ăn liền

Nó nhờ vào đâu vậy?

- Chắc trước hết, nó nhờ vào cái giá rẻ: Trừ gói mì 5000đ – 6000đ dành cho người chuộng món ngon, gói mì phổ thông ba bốn ngàn đồng / gói, rẻ hơn cả đĩa bánh xèo rải rau giá búp, chén bánh bèo rắc tôm bột của mấy bà bán dạo xóm cho người nhàn rỗi vừa ngủ giấc trưa dậy. Đó là nói thời giá bữa nay, chứ hồi cách đây vài năm, mì ăn liền chỉ 500đ / gói thôi. Ít thấy có món vừa rẻ vừa ngon, theo nghĩa “tiền nào của nấy”, như gói mì. Ăn phở bò, bún giò thì “dội” lắm, lâu lâu mới dám cải thiện một bữa. Ăn bún cá, bún riêu cua giá cũng gấp rưỡi, gấp đôi gói mì tôm, mì thịt bằm ăn liền. Ăn bánh xèo, bánh bèo, ổ bánh mì cặp thịt “bình dân” đấy, nhưng bị thiếu nước, khô khan, khó nuốt, nhất là đối với người già ăn ít, có tật ăn hay mắc nghẹn. Sau cùng, nhiều người đã chọn “giải pháp” ăn gói mì, vừa rẻ vừa có cả cái lẫn nước, dễ nuốt trôi. Ăn xong tô mì tôm (cách gọi chung cho các loại mì), anh công nhân, chị cán bộ, bác nông dân yên tâm rằng mình đã nạp đủ “năng lượng” cho một buổi mai làm việc, từ sáng tới trưa. Nói, nhờ giá rẻ mà mì ăn liền tiêu thụ mạnh, “chiếm lĩnh thị trường” nhanh, chưa chắc trúng! Vì có những nước giàu vẫn ăn nhiều mì tôm kia mà.

- Ưu điểm thứ hai của gói mì tôm dễ thấy, là tiện lợi. Trước hết, tiện cho việc để dành, để trên bàn ăn, đậy rổ lại, hoặc cất trong chạn là tốt, miễn sao đừng để chú chuột đục khoét. Vì chuột mà đục khoét gói mì, chẳng khác gì ông Tám Khừng quê tôi, gặp cỗ giỗ được cho ngồi vào mâm. Mà cũng tiện cho việc chế biến, người bận rộn công việc, với gói mì tôm và chút nước sôi trong phích là có ngay bữa ăn, ăn lẹ. Bởi khỏi phải chế biến lâu lắc, ăn lẹ để còn công việc, gói mì tôm mới được đặt tên là “mì ăn liền” (nhưng cái tên này  người ta ít gọi hơn cái tên mì tôm đã quen miệng, quen miệng đến mức gói mì chay cũng bị gọi là mì tôm chay).

Trong đời, tôi đã gặp nhiều cảnh ăn mì ăn liền cảm động lắm. Cái hôm máy bay trực thăng sà xuống tới đọt tre, thả hàng cứu trợ xuống “ốc đảo” quê tôi (vùng đang bị thiên tai lũ lụt bao vây), tức thì từ trong các nhà ngập lũ sâu, bà con đã ào ra, bơi theo dòng nước cuộn chảy, vớt những thùng mì tôm bọc trong giấy nhựa. Và từ bữa đó, bà con làng tôi đã ăn mì tôm cầm hơi, suốt những ngày bão lũ gian nan, cơ cực. Khối cô cậu sinh viên, học sinh nghèo trọ học xa gia đình, vừa mua sách học vừa “kế hoạch” túi tiền, mua chục gói mì tôm để dành “ăn dặm”, vì nhiều bữa phải mì tôm thay canh, mì tôm bữa sáng đến trường, bữa tối thức khuya học bài. Khối anh chị công nhân nhà máy, ông bà cán bộ hưu trí (từng làm nhân viên cho lãnh đạo), đến kỳ lĩnh lương, liền ưu tiên dắt nhau ra siêu thị, mua một thùng mì tôm ôm về, bảo đã làm xong “kế hoạch tiền lương”. Một bà chủ quán trong khu dân cư nghèo đã có lần kể cho tôi nghe, những ngày giáp Tết, quán bà bán mì tôm chạy lắm, nhà nào cũng mua mì tôm ăn Tết, có nhà mua tới mấy thùng. Hình như đoán trước được, tôi sẽ có câu hỏi, tại sao, bà giải thích luôn: “Bởi tại cái gu của dân vùng này và cũng vì, bà con sợ ngày Tết quán xá nghỉ, mà lo trước còn hơn”.

Không ít người phong lưu, thích ăn ngon, phải bữa mì tôm, người ta đã “gia công” cho gói mì: cho thêm thịt ướp, chả giò, nhánh rau thơm, tiêu bột, củ hành ngâm chua, dội nước lèo nấu xương heo, sụn bò… Thế là thực khách có được một tô mì tôm hảo hảo, khác xa cái hương vị ban đầu của nó. Hương vị thuở ban đầu của tô mì ăn liền, nếu là mì tôm thì có chút hương vị tôm, mì thịt bằm chút hương vị thịt, mì bò bip – tết tí xíu hương vị thịt bò. Ngoài cái hương vị thịt hay tôm, theo tên gọi của gói mì, còn có cái hương vị rau thơm, cà rốt (hoặc khoai tây, đậu Hà Lan), muối, bột ngọt có trong bì gia vị của mỗi gói mì… Mì chay có hương vị nhiều loại rau: ngò thơm, cà rốt, khoai tây… và mùi thơm nấm (thay cho hương vị thịt, tôm, cua).

Đem mì tôm so sánh với bánh bèo, bánh xèo mới thấy cái “bất công” trong sự “đối đãi” của con người. Gói mì tôm (ba, bốn ngàn đồng) lại được sản xuất trong nhà máy công nghệ với dây chuyền sản xuất tiên tiến, có thương hiệu mĩ miều, bao bì láng bóng rực rỡ, được đóng thùng lịch sự, sang trọng; trong khi đó cái bánh chưn, chồng bánh xèo, đĩa bánh bèo…(cùng giá) lại chế biến trên lò than, bếp củi lọ lem, tới khi có cái bánh rồi, cũng chẳng gì hơn, vì bị thảy ra mâm, ra mẹt. May mà gặp người ăn tinh đời, có bụng tốt còn biết, đây là: “Món ăn dân dã”… để mà thương nhau.

Mì ăn liền chắc không bị cuộc cạnh tranh ráo riết, mặc dù ngày nay có xuất hiện gói phở ăn liền, miến ăn liền, cháo ăn liền… Tôi nghĩ, những gói sau này chỉ làm đa dạng, phong phú thêm cho gói mi an lien đang phục vụ cuộc sống hối hả thời nay.

Thử hỏi, ở trong nước mình, món ăn nào có tính phổ cập, “phủ sóng” toàn miền, toàn cõi, toàn quốc? Phở chăng? -Nhiều thị trấn không có quán phở tái, nạm. Bún bò giò heo chăng? –Cũng không. Cháo lòng, bánh hỏi thuộc “gu” của dân Bình Định, nhưng nơi khác thì cũng chẳng có “biệt nhãn”gì. Cao lầu vẫn “cố thủ” ở thành phố Hội An – Quảng Nam, Don “an phận thủ thường” ở thành phố Quảng Ngãi… Thưa, chỉ có gói mì ăn liền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét